Tại một số chuỗi siêu thị, người tiêu dùng được giảm giá 10% trên toàn hóa đơn với mặt hàng hải sản và rau củ quả nếu đi chợ trước 10 giờ sáng các ngày trong tuần. Trong ngành hàng tiêu dùng, các loại nước giặt; dầu tắm, gội giảm từ 20.000-40.000 đồng tùy từng sản phẩm. Bên cạnh đó, siêu thị cũng đang áp dụng mức khuyến mãi từ 10-30% với nhiều loại thực phẩm tươi sống khác.
Cụ thể: Thịt ba chỉ bò đông lạnh giảm từ 135.900 đồng/gói còn 104.000 đồng/gói; thịt gầu bò giảm từ 167.900 đồng/gói còn 157.900 đồng/gói; phi lê gà giảm 82.600 đồng/kg còn 74.500 đồng/kg; má đùi gà, cánh gà giá khoảng 68.000-76.000 đồng/kg; thịt đùi heo giữ ổn định ở mức 125.000-132.000 đồng/kg; dầu đậu nành Tường An loại 2 lít giảm còn 115.000 đồng/can.
Ngoài ra, chương trình khuyến mãi cũng diễn ra ở các ngành hàng như nước giải khát; bánh kẹo; thực phẩm đóng gói; sản phẩm chăm sóc cơ thể với mức giảm từ 15-20% hoặc tặng kèm các phần quà như tô sứ, kem đánh răng, dầu tắm gội.
Bên cạnh đó, tại các siêu thị thuộc hệ thống Winmart, giá cả nhiều mặt hàng cũng được bình ổn ngay cả khi xăng dầu tăng giá. Theo đó, đùi gà tỏi có giá 102.900 đồng/kg; sụn gà 148.900 đồng/kg; trứng gà dao động 32.000 – 44.900 đồng/vỉ 10 quả tùy từng loại; đầu và lườn cá hồi đồng giá 99.000 đồng/kg; cá basa cắt khúc 89.000 đồng/kg.
Chị Phạm Mỹ Hạnh, nhân viên quản lý kho đông lạnh tại siêu thị Winmart Trương Định chia sẻ: “Ngay cả thời điểm xăng lên, hầu hết các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, cá vẫn giữ nguyên giá bán. Hiện nay chỉ có sản phẩm phi lê cá hồi Na Uy đã giảm giá từ 800.000 đồng/kg xuống còn 649.000 đồng/kg”.
Nắm thông tin về các chương trình khuyến mãi trên Facebook, anh Lê Thành, người tiêu dùng trú tại quận Cầu Giấy, cho biết bản thân một vài tuần gần đây chủ yếu đi siêu thị vì được giảm giá. Theo anh, hàng hóa ở các chuỗi phân phối lớn rất đa dạng, nhiều sản phẩm chất lượng loại 1 có giá tốt. Bên cạnh đó, mua càng nhiều tại siêu thị giúp tiết kiệm đáng kể tiền bạc và thời gian di chuyển. Trong thời buổi giá cả tăng phi mã, gia đình anh cũng đã chuyển dần sang sử dụng sản phẩm của các nhãn hiệu có khuyến mãi.
Lãnh đạo nhiều chuỗi phân phối cho biết chấp nhận giảm lợi nhuận kinh doanh thậm chí bù lỗ để tổ chức chương trình khuyến mãi nhằm giữ chân khách hàng và duy trì nhu cầu mua sắm. Hiện nay, các siêu thị đang liên tục theo dõi diễn biến giá xăng và chi phí đầu vào sản xuất để đưa ra mức giá phù hợp với nhà cung ứng hàng hóa. Nếu không đạt được thỏa thuận, siêu thị sẽ tìm nguồn hàng khác nhằm chia sẻ áp lực với người tiêu dùng./.