Đây là lần thứ tám trong 10 năm Singapore đứng đầu danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Cả Singapore và Thành phố New York đều đã đánh bật vị trí số 1 của năm ngoái là Tel Aviv, bởi lạm phát tăng cao và đồng USD mạnh mẽ, EIU báo cáo trong cuộc khảo sát Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu mới trên 172 thành phố.
Theo bà Upasana Dutt, người đứng đầu mảng Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu tại EIU nói với CNBC rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách zero Covid của Trung Quốc và cuộc chiến Nga-Ukraine là hai lý do chính dẫn đến lạm phát cao hơn trong năm nay. “Hai điều này kết hợp đã gây ra nhiều áp lực hơn đối với việc tiếp cận hàng hóa và tính sẵn có của các sản phẩm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người.”
EIU cũng nhận thấy rằng mức tăng giá mạnh nhất trong năm nay là xăng dầu. Tính trung bình, giá xăng dầu đã tăng 22% so với năm ngoái. “Giá dầu của năm 2022 là rất, rất cực đoan và là một trong những mức cao nhất mà chúng tôi từng ghi nhận trong lịch sử thu thập dữ liệu của mình”.
Lạm phát cao ở Mỹ
Việc Cục Dự trữ Liên Bang Fed tiếp tục tăng lãi suất đã thúc đẩy đáng kể đồng USD, khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn. “New York lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách này. Việc đồng USD mạnh lên rất nhiều và khiến New York đạt được vị trí hiện tại là điều khá bất thường,” bà Dutt nhận xét.
EIU cho biết các thành phố khác ở Mỹ cũng tăng chỉ số nhờ sự vượt lên của đồng bạc xanh.
Los Angeles đã tăng từ vị trí thứ 9 vào năm 2021 lên vị trí thứ 4 trong năm nay. San Francisco — năm ngoái không lọt vào top 10 — hiện là thành phố đắt đỏ thứ 8 để sinh sống.
6 trong số 10 thành phố có bước nhảy vọt lớn nhất cũng ở Hoa Kỳ bao gồm Atlanta, San Diego và Boston.
Vị trí hàng đầu của Singapore không có gì ngạc nhiên
Singapore vốn là quốc gia “có giá vận chuyển cao nhất thế giới, do chính phủ kiểm soát chặt chẽ số lượng xe hơi. Đây cũng là một trong những thành phố đắt đỏ nhất về quần áo, rượu và thuốc lá,” báo cáo cho biết. Singapore đã chia sẻ vị trí thứ hai với Paris vào năm ngoái.
Nhật Bản và Hàn Quốc tụt hạng
Những thành phố ở các quốc gia có đồng tiền bị sụt giảm trong năm nay nằm trong số những thành phố bị tụt hạng. Dữ liệu của EIU cho thấy Osaka của Nhật Bản là thành phố đắt đỏ thứ 43 để sinh sống, giảm mạnh so với vị trí thứ 10 vào năm 2021. Còn Busan của Hàn Quốc đã giảm 25 bậc so với năm ngoái và hiện xếp thứ 106.
“Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chứng kiến sự mất giá của đồng tiền, trong khi lạm phát đồng nội tệ ở những quốc gia này khá thấp; điều này đã đẩy các chỉ số của Tokyo và Seoul đi xuống so với New York,” báo cáo cho biết.
Mặc dù Hàn Quốc đã thực hiện các động thái để tăng cường đồng won, nhưng “các nhà đầu tư luôn tìm tới các loại tiền tệ an toàn hơn vào thời điểm này,” bà Dutt nói thêm.
Cú nhảy vọt lớn nhất: Các thành phố của Nga
Cuộc khảo sát cho thấy các thành phố Moscow và St. Petersburg của Nga lần lượt tăng 88 và 70 bậc – hai thành phố có bước nhảy vọt lớn nhất trong bảng xếp hạng. Moscow hiện ở vị trí thứ 36 và St. Petersburg ở vị trí thứ 73.
EIU cho biết: “Việc kiểm soát vốn, hạn chế nhập khẩu và chuyển đổi các khoản thanh toán khí đốt của châu Âu sang đồng rúp đang hỗ trợ giá trị của đồng nội tệ”. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã dẫn đến mức lạm phát “cực kỳ cao” ở đó, bà Dutt giải thích.
Top 10 thành phố đắt đỏ nhất trên thế giới
1. Singapore (hoà)
1. New York (hoà)
3. Tel Aviv
4. Hồng Kông (hoà)
4. Los Angeles (hoà)
6. Zürich
7. Geneva
8. San Francisco
9. Paris
10. Copenhagen (hoà)
10. Sydney (hoà)