Nhiều tiệm vàng không vi phạm gì cũng tạm ngừng kinh doanh vì hiệu ứng tâm lý
Trong bối cảnh lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày càng có nhiều tiệm vàng tư nhân ở TP HCM đã đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh để tránh bị phát hiện vi phạm, cũng như để nghe ngóng diễn biến của thị trường.
Đóng cửa vì e ngại!
Ngày 17-4, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, có khá nhiều tiệm vàng trang sức quanh chợ An Đông (quận 5) và trên phố vàng bạc đá quý Nguyễn Duy Dương (quận 5) vẫn đang trong tình trạng đóng cửa không có lý do. Chỉ một số ít dán bảng thông báo tạm nghỉ.
Ngay trong Trung tâm Thương mại An Đông Plaza (quận 5), khu bán vàng nhộn nhịp trước đây cũng trong tình trạng trầm lắng khi có hàng loạt tiệm tạm ngừng kinh doanh dù phía ngoài vẫn có 1 – 2 người ngồi túc trực. Khi chúng tôi đến gần ngỏ ý muốn mua bán vàng, những người này không trả lời, có người yêu cầu bữa khác quay lại nhưng không nói thời điểm nào.
Ghi nhận tại các tuyến đường Phó Cơ Điều – chợ Thiếc (quận 11), Nhiêu Tâm – phố vàng bạc (quận 5), An Dương Vương (quận 5), Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh)… cũng có thêm một số tiệm vàng bắt đầu đóng cửa từ ngày 17-4.
Tương tự, ở khu vực chợ Tân Định, một vài tiệm vàng cũng bắt đầu đóng cửa dù vài ngày trước vẫn kinh doanh bình thường. Trong vai khách hàng có nhu cầu bán vàng nhẫn, chúng tôi tới tiệm vàng T.P.T gần chợ Tân Định nhưng tiệm đã đóng cửa, gọi điện thoại cũng không có người bắt máy.
Một doanh nghiệp (DN) có 2 tiệm vàng ở khu vực chợ An Đông cho biết nếu vài ngày trước chỉ có khoảng 30% tiệm vàng ở đây đóng cửa thì nay lên khoảng 50%. Nhiều tiệm vàng không vi phạm gì cũng đóng cửa vì hiệu ứng tâm lý sợ bị kiểm tra.
Ông Linh, quản lý của một tiệm vàng tại chợ Thiếc, cho biết các tiệm vàng ồ ạt đóng cửa chủ yếu do kinh doanh các mặt hàng nữ trang được chế tác theo hình dạng giống thương hiệu thời trang nổi tiếng, nếu QLTT kiểm tra chắc chắn sẽ bị phạt. Ngoài ra, cơ quan chức năng đang tập trung kiểm tra giấy tờ nguồn gốc xuất xứ, cùng thông tin nhiều tiệm nữ trang đã bị phạt cũng khiến họ e ngại. “Trường hợp bị kiểm tra, nếu thiếu giấy tờ hay sản phẩm vi phạm chắc chắn sẽ bị phạt hàng chục triệu đến trăm triệu đồng, khổ nhất là bị tịch thu hàng hóa. Những tiệm đang hoạt động đều có giấy tờ đầy đủ nên ít lo hơn” – ông Linh nói.
Những tiệm vàng trang sức còn lại dù vẫn mở cửa kinh doannh nhưng đều có điểm chung là các quầy trưng bày sản phẩm rất thưa thớt, chỉ có dây chuyền, nhẫn, vòng kiềng và trang sức thông thường. Thậm chí có tiệm vàng đóng bớt quầy và chỉ bán một quầy.
Trong khi đó, đại diện Cục QLTT TP HCM khẳng định việc một số tiệm vàng gần đây có dấu hiệu tạm ngưng hoạt động vì lý do nào đó không ảnh hưởng quá nhiều đến công tác thanh tra, kiểm tra. Bởi việc này được thực hiện theo kế hoạch xuyên suốt, khi nào các tiệm này quay lại hoạt động, lực lượng QLTT vẫn tiến hành kiểm tra, giám sát như các cửa hàng khác.
Chấn chỉnh để lành mạnh thị trường
Mở tiệm vàng buôn bán từ nhiều năm qua, một chủ tiệm vàng ở chợ An Đông cho biết ông không ngại cơ quan chức năng kiểm tra vì đây là hoạt động bình thường hằng năm nhưng đợt này số tiệm bị “hỏi thăm” nhiều hơn sau yêu cầu chấn chỉnh thị trường vàng của Chính phủ. Hoạt động kiểm tra lần này đang khiến cho thị trường vàng trang sức vốn đã khó lại càng thêm khó. Bởi thời gian qua, người dân chủ yếu mua bán vàng nhẫn và vàng miếng, còn vàng trang sức mỹ nghệ lại khá ế ẩm. “Mỗi tiệm vàng có hàng trăm sản phẩm với mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng khác nhau. Khi bị kiểm tra, có thể tiệm chỉ vi phạm vài sản phẩm nhưng cũng bị niêm phong, phạt, thậm chí tịch thu… nên những người kinh doanh như chúng tôi rất lo lắng. Về chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ, từ nhiều năm nay chúng tôi đều rất tuân thủ, tiệm nào gian dối sẽ bị giới kinh doanh vàng tẩy chay ngay” – chủ tiệm vàng này phân trần.
Việc ngày càng có nhiều tiệm vàng trang sức đóng cửa cũng gây khó khăn cho người dân khi muốn mua bán vàng hoặc trang sức do những tiệm này bán ra. Bà Thắm, ngụ quận 5, đến An Đông Plaza để bán chiếc nhẫn vàng 24K cho tiệm vàng có tên A.T nhưng phải trở về do tiệm đóng cửa. “Vàng lên đỉnh rồi, tôi đến bán chiếc nhẫn 24K để kiếm lời nhưng đến đây thấy nhiều tiệm đóng cửa. Bán cho tiệm khác cũng được nhưng thường bị ép giá vì không phải vàng của họ bán ra” – bà Thắm nói.
Thực trạng “mua đâu bán đó” cũng chính là đặc thù của thị trường vàng trang sức mỹ nghệ từ trước đến nay. Người tiêu dùng nếu mua ở tiệm này rồi bán cho tiệm vàng khác sẽ bị thiệt tiền công hoặc bị ép giá thấp hơn thị trường khá nhiều. Thậm chí, có tiệm còn cắt món vàng ra để thử, kiểm tra tuổi vàng rồi mới đồng ý mua lại. Việc này sẽ rất phiền hà và thiệt thòi cho khách hàng.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng không chỉ các tiệm vàng mới có tình trạng “mua đâu bán đó”, mà cả những DN vàng có thương hiệu như SJC, DOJI, PNJ… thường cũng chỉ mua lại vàng thương hiệu của mình. “Do đặc thù sản phẩm vàng có giá trị lớn nên chỉ cần sai vài li hoặc hàm lượng vàng lệch đi một chút cũng đã có lời nên tâm lý các DN hoặc chủ tiệm vàng thường không yên tâm với sản phẩm của DN khác. Dù phần lớn tiệm vàng đều tuân thủ trọng lượng, tuổi vàng, đóng mã ký hiệu trên từng sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường” – ông Phương lý giải.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng thừa nhận chất lượng vàng của các DN, đặc biệt là DN nhỏ lẻ, hộ gia đình ở nhiều nơi chưa được bảo đảm. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thực trạng phổ biến là vàng trang sức người dân mua ở đâu thì bán ở đấy. Nếu bán sang cửa hàng khác sẽ bị đánh sụt giá vì chất lượng chưa được bảo đảm hoặc thương hiệu ít người biết tới.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Vàng Đối Tác Mới (NPJ), nhận định hơn 10 năm áp dụng Nghị định 24/2012/NĐ-CP về QLTT vàng và Thông tư 22/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức mỹ nghệ, thị trường này đã có sự cải thiện về chất lượng. Dù vậy, sự quản lý của các cơ quan chức năng chưa thật chặt chẽ nên đợt thanh tra, kiểm tra lần này có thể giúp đưa thị trường vào khuôn khổ, nhất là tạo sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các DN. DN vàng phải thay đổi nhưng nhà nước cũng cần hướng dẫn, xử lý thế nào để họ khắc phục vi phạm và quay lại kinh doanh lành mạnh. “Từ nhiều năm nay, câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ của vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là một “góc khuất”, vì không có DN nào được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Vấn đề về mã ký hiệu, sản phẩm vàng giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng có thể xử lý được nhưng về nguồn gốc xuất xứ cần lộ trình và giải pháp căn cơ từ nhà nước” – ông Trọng nói.
Cần kiểm tra doanh nghiệp sản xuất
Anh Thanh, chủ một tiệm vàng ở khu vực chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp, TP HCM), cho hay lâu nay thị trường xuất hiện nhiều loại vàng trang sức nhái mẫu mã nước ngoài, thu hút khá nhiều khách mua. Những sản phẩm này do một số DN ở khu vực quận 5 cung cấp nhưng trên bề mặt sản phẩm không thể hiện thông tin đơn vị sản xuất, hàm lượng vàng… Anh Thanh thừa nhận việc các tiệm vàng đã mua những sản phẩm này để bán lại cho khách hàng là không đúng quy định. Bởi quy định hiện hành buộc chủ tiệm vàng phải niêm yết công khai các thông tin về khối lượng, hàm lượng, giá mua bán các loại sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm bán ra. Còn trách nhiệm của DN sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ là đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên sản phẩm, công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng của sản phẩm theo quy định pháp luật.
Theo anh Thanh, ngoài việc kiểm tra, xử phạt các tiệm vàng mua bán không đúng quy định, cơ quan chức năng cần kiểm tra DN sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, công bố thông tin hoạt động của các đơn vị này đúng quy định pháp luật hay không để giao dịch trên thị trường vàng trở nên minh bạch.