Về nguyên tắc thực hiện quy trình liên thông điện tử, nghị định nêu rõ việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện hợp lý, khoa học, bảo đảm yêu cầu khai thác, tái sử dụng dữ liệu phục vụ cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính giữa các cơ quan, tổ chức và người yêu cầu, không yêu cầu nộp bản giấy; chuyển phương thức xử lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tạo thuận lợi cho người yêu cầu và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính.
Việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông điện tử tại nghị định này có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật; không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức.
Các thông tin trong tờ khai điện tử quy định tại nghị định này đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hệ thống thông tin có liên quan, được phần mềm dịch vụ công liên thông điền tự động.
Trong đó, hồ sơ đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp mai táng, tử tuất được đồng bộ về phần mềm nghiệp vụ của các bộ, ngành có liên quan.
Nghị định quy định người nộp hồ sơ truy cập vào cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ dichvucong.gov.vn) hoặc trên ứng dụng VNelD, lựa chọn mục dịch vụ để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và lệ phí theo quy định.
Kể từ ngày Nghị định 63/2024/NĐ-CP có hiệu lực (10/6/2024) đến ngày 1/7/2024, các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, phần mềm nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương phải nâng cấp, hoàn thiện kết nối, chia sẻ, thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Phần mềm dịch vụ công liên thông theo quy định của Nghị định này.
Kể từ ngày 1/7/2024, hồ sơ 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử được tiếp nhận, giải quyết theo quy định tại Nghị định 63/2024/NĐ-CP.