Theo báo cáo hôm 28/10, ngay cả các cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc – vốn được ưa chuộng vì có nhiều lựa chọn giá rẻ – đang ghi nhận nhu cầu giảm. Giá các mặt hàng chế biến sẵn tăng vì lạm phát, vậy nên, khiến các bữa trưa trở nên đắt đỏ.
Xu hướng “lạm phát bữa trưa” (lunchflation) – thuật ngữ để chỉ giá bữa trưa tăng cao ảnh hưởng lớn đến các cửa hàng tiện lợi khi chi phí nguyên liệu và giao hàng tăng nhanh. Hàn Quốc là một trong nhiều quốc gia đang chứng kiến “lạm phát bữa trưa” nhanh nhất, khi có người thậm chí phải bỏ bữa trưa để tiết kiệm tiền.
Các chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn như BGF Retail và GS Retail của Hàn Quốc, phụ thuộc vào các nhà cung cấp nhỏ, cho biết việc tăng giá là không thể tránh khỏi trong bối cảnh lạm phát. CU, một trong những thương hiệu nhượng quyền tiện lợi lớn nhất do BGF Retail điều hành, đã giới thiệu hộp cm trưa có thịt heo cốt lết với giá 6.900 won (hơn 125 nghìn đồng). Mức giá này khá cao vì hầu hết người tiêu dùng đều mong đợi trả dưới 5.000 won (3,61 USD).
Được biết, nhiều bữa ăn mới ra mắt tại CU, Emart24, GS25 và 7-Eleven có giá từ 6.000 won (4,34 USD) đến gần 7.000 won (5,06 USD). Tại GS25, 5 trong số 16 bữa ăn sẵn có giá gần 6.000 won.
Gimbap (cơm cuộn với nhiều loại nguyên liệu khác nhau) hiện có giá hơn 3.000 won (2,17 USD) tại cả 4 thương hiệu cửa hàng tiện lợi. Mức giá cao nhất tăng tới 20%. Theo các công ty, việc tăng giá là một bước đi tất yếu trước bối cảnh đà tăng giá phi mã. “Giá nguyên liệu thực phẩm tăng đang gây thêm áp lực cho các nhà cung cấp và bên nhượng quyền. Họ không thể tiếp tục duy trì mức giá tiêu dùng như hiện tại”, một quan chức cho biết.
Theo Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc, giá thực phẩm tại các cửa hàng bán lẻ và nhà hàng trên toàn quốc đều đang tăng. 14/27 sản phẩm phổ biến nhất cả nước đã ghi nhận đà tăng giá tới 7,2%.
“Lạm phát bữa trưa” cũng đang lan rộng tại Nhật Bản – nơi nhân viên văn phòng phải chọn bữa trưa siêu rẻ, theo The Guardian. Nước này buộc phải thích nghi với giá cả tăng cao do các vấn đề về chuỗi cung ứng trong khi các hộ gia đình cố gắng thắt lưng buộc bụng.
Theo The Guardian, dân văn phòng làm công ăn lương phải đối diện khó khăn từ năm 2021, khi giá thịt bò nhập khẩu tăng vọt. Trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt khi giá của hơn 30.000 mặt hàng thực phẩm thay đổi, không có gì ngạc nhiên khi tiết kiệm trở thành việc cấp thiết.
Trong một cuộc khảo sát năm ngoái của dịch vụ cho vay xã hội Lendex có trụ sở tại Tokyo, gần một nửa số nhân viên văn phòng trong độ tuổi 20-50 cho biết họ chỉ dám chi dưới 500 yen (3,28 USD) một ngày cho bữa trưa. Nhiều người mang theo cơm từ nhà để tiết kiệm.
Theo một cuộc khảo sát khác do nhà cung cấp dịch vụ thanh toán Edenred tại Nhật Bản thực hiện, khoảng 40% nhân viên văn phòng đã hạn chế chi phí ăn trưa. Gần 70% không dám ăn những món yêu thích để tiết kiệm.
Tại Mỹ, theo Báo cáo Bữa trưa năm 2024 của ezCater, lạm phát khiến nhiều người làm việc trong môi trường văn phòng phải lập kế hoạch chi tiêu chi tiết. Hơn 3/4 số người được hỏi (78%) cho biết lạm phát đã thay đổi thói quen ăn trưa của họ.
Cụ thể, hơn 1/3 nhân viên lựa chọn rẻ hơn khi lập kế hoạch cho bữa trưa của mình. 31% cho biết họ giảm mua bữa trưa. 25% nói rằng đang thắt chặt hầu bao dành cho bữa trưa tại văn phòng.
Bên cạnh đó, việc phải tự chuẩn bị đồ ăn mang đi cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động. Gần 3/4 (73%) cho biết việc chuẩn bị nhiều bữa trưa hơn đã tác động đến thời gian rảnh rỗi của họ. Hơn một nửa (56%) nói rằng việc chuẩn bị bữa trưa mang đi làm đã gây ra căng thẳng.
Theo: The Guardian