Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Vietcombank
Tùy từng lĩnh vực, điều kiện cấp tín dụng sẽ khác nhau
Trong năm 2023, Vietcombank tiếp tục có định hướng tăng trưởng đối với lĩnh vực tín dụng BĐS. Ngân hàng phân theo từng lĩnh vực cụ thể trong cho vay BĐS để có chính sách cơ chế riêng đối với từng lĩnh vực. Cụ thể đối với lĩnh vực BĐS cho KCN, KCX là lĩnh vực rất quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và của toàn quốc. Do vậy đây là lĩnh vực ưu tiên và phát triển tín dụng với chính sách ưu đãi trong năm 2023 của Vietcombank. Năm 2022, BĐS được Vietcombank tăng tín dụng bốn lần so với cuối năm 2021. Chúng tôi hy vọng năm 2023 tín dụng đối với lĩnh vực KCN, KCX có mức tăng trưởng như năm 2022, thậm chí là tốt hơn.
Với sự phục hồi của du lịch trong nước cũng như thu hút dần du lịch nước ngoài vào Việt Nam, trong năm 2023, Vietcombank sẽ tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên chúng tôi sẽ chọn lọc cho vay các doanh nghiệp uy tín, đảm bảo hiệu quả trong cấp tín dụng. Đối với BĐS cho thuê văn phòng, trung tâm thương mại, ngân hàng sẽ có sự quan tâm điều chỉnh về mặt chính sách trong năm 2023 phù hợp với sự phục hồi của phân khúc này. Với các doanh nghiệp phát triển BĐS để bán, Vietcombank sẽ lựa chọn nhà đầu tư có uy tín và triển khai dự án có hiệu quả, cung ứng sản phẩm tốt cho thị trường, nhất là tập trung cho vay đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người dân trong thời gian tới. Phân khúc nhà cao cấp biệt thự giá trị lớn thì ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong cấp tín dụng.
Một lần nữa Vietcombank khẳng định ngân hàng không có chủ trương, chính sách siết tín dụng BĐS. Tuy nhiên tùy từng lĩnh vực, điều kiện cấp tín dụng sẽ có mức độ khác nhau. Chẳng hạn đối với lĩnh vực BĐS KCN, KCX có chính sách ưu đãi hơn, cởi mở hơn… Tuy nhiên, để phát triển vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt nguồn vốn trung dài hạn, bên cạnh vốn tín dụng ngân hàng cần sự vào cuộc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Nhưng thời gian gần đây do các khó khăn đối với thị trường TPDN toàn bộ áp lực cung ứng vốn trung, dài hạn đã dồn lên các NHTM. Trong khi đó, phần lớn vốn huy động của NHTM hiện nay dưới 12 tháng và phải tuân thủ theo các quy định không chỉ trong nước mà cả quốc tế về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Do đó, tôi mong muốn Chính phủ, các cấp thẩm quyền nhanh chóng ổn định thị trường TPDN để cung ứng nguồn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế. Thị trường vốn, TPDN hoạt động ổn định mới “gánh đỡ” ngân hàng, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, sự phát triển kinh doanh của chính các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank
Bất động sản trầm lắng lực cầu sụt giảm
NHNN không quy định room tín dụng riêng cho ngành nào mà tùy khẩu vị rủi ro, từng ngân hàng để có thể xem xét cho vay đối với các phân khúc trong tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng chung mà NHNN cấp. Vấn đề chủ yếu của thị trường BĐS lúc này không phải ngân hàng thận trọng mà do nhu cầu từ người mua cuối cùng khá thấp. Nên dù hiện các ngân hàng rất khuyến khích nhưng thị trường vẫn trầm lắng. Nguyên nhân do hiện nay người mua nhà muốn có mức giá tốt hơn nên họ vẫn đang dò đáy. Chưa kể do yếu tố thời vụ thường sau Tết Nguyên đán người dân có xu hướng chưa đi vay nên trong quý I/2023 tín dụng nói chung, tín dụng BĐS vẫn rất trầm lắng.
Về vấn đề lãi suất, trên thực tế, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam chỉ đạo yêu cầu các NHTM giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. Nhưng hiện có nhiều yếu tố khách quan tác động lên lãi suất như động thái tiếp tục tăng lãi suất của Fed, lạm phát trên thế giới cao… Đúng là so với năm ngoái lãi suất của Việt Nam có tăng thêm vài % nhưng do chịu tác động từ bên ngoài. Nếu so với tốc độ tăng lãi suất của các nước trên thế giới thì mức độ tăng lãi suất của Việt Nam thấp hơn nhiều. Nói như vậy không có nghĩa ngân hàng muốn neo lãi suất cao, bởi các ngân hàng mong muốn có lãi suất hợp lý mới kích thích nhu cầu tín dụng. Trên thực tế, lãi suất trên thị trường rất cạnh tranh, khách hàng có nhiều lựa chọn, vay ở đâu có mức lãi suất tốt. Theo tôi, có thể nửa đầu năm lãi suất còn duy trì ở mức cao, nhưng 6 tháng cuối năm khi áp lực lạm phát giảm bớt, lãi suất chung cũng có xu hướng giảm xuống, lãi suất cho vay lĩnh vực BĐS cũng giảm theo.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Cần sự vào cuộc của các bộ, ngành
Năm 2022, tín dụng cho BĐS tăng trên 24%, trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng 14,17%; tín dụng cho BĐS cũng tương đương với tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn… Điều này cho thấy, ngành Ngân hàng không siết chặt tín dụng cho BĐS.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các doanh nghiệp BĐS và ngân hàng các bộ, ngành phải cùng vào cuộc; Đồng thời, có giải pháp để đưa thị trường TPDN trở lại với tình trạng bình thường, phát triển bền vững trong đó có việc ổn định tâm lý cho nhà đầu tư. Cần sớm xem xét, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Nghị định 65/2022/NĐ-CP, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phát hành TPDN… Với các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, đề nghị cần xây dựng hệ thống văn bản luật và văn bản hướng dẫn triển khai phù hợp với thực tiễn hơn, không bị chồng chéo. Song song với đó, cơ quan quản lý cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ và chế tài đối với các chủ đầu tư kinh doanh BĐS không đủ điều kiện pháp lý; xử lý theo quy định của pháp luật các cá nhân, tổ chức tiếp tay tạo bong bóng BĐS; đồng thời có các biện pháp nhanh chóng nhằm bình ổn giá BĐS trên thị trường.
Với NHNN đề nghị xem xét giãn lộ trình điều chỉnh quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo Thông tư 08/2020/TT-NHNN: từ ngày 1/10/2023 còn 30% sang tháng 6/2024. Đồng thời, xem xét áp dụng hệ số rủi ro ở mức phù hợp cho một số loại hình BĐS đáp ứng nhu cầu thiết yếu và thu hút đầu tư như KCN, xây dựng nhà xưởng cho thuê, nhà ở xã hội, chung cư phân khúc trung cấp trở xuống… giúp tiết giảm chi phí vốn của TCTD, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các loại hình BĐS nêu trên.