Theo khảo sát biểu lãi suất niêm yết của các ngân hàng sáng ngày 21/4, mức lãi suất huy động cao nhất đang được công bố là 9,2%/năm.
Cụ thể, ABBank đang áp dụng mức lãi suất này cho các khoản tiền gửi trực tuyến tại các kỳ hạn 15 – 36 tháng. Mức lãi suất 9,2% cũng đang được HDBank áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng theo hình thức tiết kiệm online.
Thấp hơn một chút, OCB đang huy động lãi suất 9,1% cho tiền gửi trực tuyến tại các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Kỳ hạn này đang được ABBank huy động với lãi suất 9%.
Ngân hàng Bản Việt mới đây giảm một loạt lãi suất ở kỳ hạn dài và tăng lãi suất ở kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên từ ngày 20/4 nhà băng này triển khai sản phẩm mới là chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hơn nhiều so với tiền gửi thông thường. Cụ thể, chỉ từ 10 triệu đồng gửi dạng chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là có thể hưởng lãi suất 8,9%/năm.
Trên thị trường cũng có khá nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất 8,5 – 8,8%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đây hầu hết là các ngân hàng nhỏ như VietBank, VietABank, Bao Viet Bank, Bắc Á Bank,…
Các ngân hàng tư nhân lớn như VPBank, Techcombank, SHB, ACB, Sacombank đều đã giảm lãi suất huy động cao nhất xuống dưới 8,5%.
Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) có lãi suất huy động thấp nhất thị trường, với mức cao nhất dành cho hình thức gửi tiền tại quầy là 7,2%/năm. Còn theo hình thức gửi tiền trực tuyến, lãi suất áp dụng có thể cao hơn so với tại quầy 0,2 – 0,3 điểm %.
Lưu ý, các mức lãi suất niêm yết này chỉ mang tính chất tham khảo và có thể thay đổi tùy vào tình hình cân đối vốn của từng chi nhánh ngân hàng.
Lãi suất huy động giảm khá mạnh trong những tuần gần đây, đặc biệt là sau hai đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Hồi trung tuần tháng 2 vẫn có tới trên 10 nhà băng niêm yết lãi suất 9,5%/năm, cùng với hàng chục ngân hàng khác áp dụng mức lãi suất từ 9% trở lên. Như vậy, chỉ sau 2 tháng, mức lãi suất trên 9% đã trở thành “của hiếm” trên bảng niêm yết của các ngân hàng.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 2/2023 của NHNN cho biết, các ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,08 – 0,1 điểm % trong Quý II/2023 và giảm 0,19 – 0,34% trong cả năm 2023. Kết quả này trái ngược với dự báo tăng nhẹ mặt bằng lãi suất trong quý I/2023 và cả năm 2023 của kỳ điều tra trước.
Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm 2023 do: (1) FED có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất điều hành vào giữa năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm nay, (2) nhu cầu vay giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm, và (3) Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng (trung bình của cả NH tư nhân và NH quốc doanh) sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7,0%/năm trong nửa cuối năm 2023”, Chứng khoán VnDirect cho hay.
Dù vậy, nhóm phân tích cho rằng, tiền gửi tiết kiệm vẫn có sức hấp dẫn nhờ lãi suất thực cao và ít rủi ro. Người gửi tiền nên ưu tiên gửi các kỳ hạn dài (>6 tháng) để hưởng mức lãi suất cao trong bối cảnh lãi suất sẽ hạ nhiệt thời gian tới.