Báo cáo kinh doanh tại Trung Quốc 2024, do Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Thượng Hải công bố cho thấy, chỉ có 13% số người được hỏi xếp Trung Quốc là điểm đến đầu tư số 1 của họ. Con số này giảm 4% so với cuộc thăm dò năm ngoái, và là mức thấp nhất trong lịch sử khảo sát.
Xếp Trung Quốc là 1 trong 3 lựa chọn đầu tư hàng đầu, cũng giảm xuống còn 34%, từ mức 53% của 4 năm trước, trong khi số người được hỏi nói Trung Quốc là ưu tiên thấp đã tăng 5% lên 24%.
Ông Allan Gabor, chủ tịch phòng thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải nói: “Dữ liệu năm nay cho thấy, mặc dù nhiều chính sách tích cực đã được công bố, nhưng vẫn chưa thể khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp tư nhân lẫn người tiêu dùng.”
Căng thẳng song phương ngày càng trầm trọng, được coi là mối quan tâm lớn nhất. Hai phần ba số người được hỏi xác định, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung là thách thức hàng đầu đối với công ty của họ trong 3 đến 5 năm tới.
Khi được hỏi làm thế nào chính phủ Hoa Kỳ có thể hỗ trợ các công ty nước ngoài tại Trung Quốc, 48% cho rằng, Washington nên giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cuộc tranh luận giữa ứng viên Tổng thống Donald Trump và Kamala Harris ngày 11/9 đã không làm dấy lên hy vọng, về việc cải thiện quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc trước cuộc bầu cử tháng 11.
Bà Harris cáo buộc ông Trump đồng ý bán chip của Mỹ cho Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống, giúp hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Ông Trump trả lời dưới thời chính quyền Biden-Harris, các công ty Trung Quốc đã xây dựng nhà máy ô tô ở Mexico, làm suy yếu việc làm trong ngành sản xuất tại Hoa Kỳ.
Ông Trump cam kết nếu thắng cử, sẽ áp dụng thuế quan để ngăn hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Hoa Kỳ.
Sự ảm đạm về kinh tế ở Trung Quốc, là mối quan tâm khác được 60% người tham gia khảo sát đề cập.
Giá bất động sản giảm và nỗi lo về an ninh việc làm, dẫn tới niềm tin của người tiêu dùng thấp, khiến 1 số nhà kinh tế đặt câu hỏi, liệu Trung Quốc có đạt được mục tiêu tăng 5% GDP trong năm 2024 hay không?
Mặt tích cực là 54% số người được hỏi kỳ, vọng doanh thu hàng năm từ thị trường Trung Quốc sẽ tăng, cao hơn con số 50% năm ngoái. Chỉ có 20% nói sẽ giảm đầu tư vào Trung Quốc, ít hơn so với 25% năm ngoái. Khi được hỏi là môi trường quản lý ở Trung Quốc có minh bạch hay không, 35% trả lời có, tăng so với 33% năm 2023.
Cuộc khảo sát năm nay được tiến hành từ ngày 20/5 đến ngày 25/6, với sự tham gia của 306 công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc hoặc có làm ăn đầu tư tại Trung Quốc.
Khảo sát của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, cho kết quả gần như tương đồng với khảo sát của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu thực hiện đầu năm nay.
Ngày 11/9, Phòng Thương mại châu Âu công bố 1 văn bản, kêu gọi Trung Quốc thực hiện những cam kết về cải cách. Trong văn bản có đoạn: “Ngày càng nhiều công ty đạt tới điểm giới hạn. Nhà đầu tư đang xem xét kỹ hơn hoạt động tại Trung Quốc, vì thách thức trong kinh doanh đang bắt đầu vượt qua lợi nhuận.”
Ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu nói: “Chúng tôi tin rằng, sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, trừ khi một số quan ngại được giải quyết.”
Phòng Thương mại châu Âu nhận định, kinh tế Trung Quốc ảm đạm, tiêu dùng yếu, và dư thừa sản xuất hàng hóa, là những thách thức mà công ty thành viên phải đối mặt, bên cạnh thách thức đã tồn tại từ lâu như hạn chế tiếp cận thị trường và ưu tiên an ninh quốc gia.
Tất cả nguyên nhân trên, được cho là khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc sụt giảm. Trong 7 tháng đầu năm 2024, FDI vào Trung Quốc giảm 29,6%, xuống còn 75,8 tỷ USD. Riêng trong tháng 7, con số là 5,6 tỷ USD – thấp nhất từ năm 2008.