Đổi hướng phát triển
Theo nhận định của New York Times, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang dần đưa nền kinh tế đi theo một hướng mới: không tiếp tục dựa vào bất động sản và nợ địa phương để thúc đẩy tăng trưởng mà thay vào đó đầu tư mạnh hơn vào sản xuất và tăng cường vay bởi chính quyền trung ương.
Dữ liệu công bố vào tuần trước cho thấy, lần đầu tiên kể từ năm 2005, các ngân hàng Trung Quốc do nhà nước kiểm soát đã bắt đầu giảm cho vay liên quan tới bất động sản. Thay vào đó, những khoản tiền khổng lồ đang được chuyển tới các nhà sản xuất, đặc biệt là trong các ngành đang phát triển nhanh như ô tô điện và chất bán dẫn.
New York Times cho rằng có những rủi ro đối với cách tiếp cận mới này. Trung Quốc thường ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung nhà máy – nhiều hơn mức cần thiết cho thị trường nội địa. Việc chú trọng đầu tư vào sản xuất có thể sẽ dẫn đến việc xuất khẩu nhiều hơn, khiến các đối tác thương mại của Trung Quốc không hài lòng. Động thái nới rộng các khoản cho vay của Trung Quốc cũng đặt ra thách thức đối với phương Tây, vốn đang cố gắng thúc đẩy đầu tư thêm vào một số ngành tương tự thông qua các đạo luật như Đạo luật Giảm lạm phát của chính quyền Biden.
Chuyển sang cho vay sản xuất cho thấy tình thế khó khăn của Bắc Kinh trong việc giải cứu thị trường bất động sản, hiện đang trở thành gánh nặng nợ của Trung Quốc. Xây dựng và nhà ở chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế và hiện đang phải hứng chịu sự sụt giảm mạnh về giá cả, doanh số bán hàng và đầu tư.
Hoạt động thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc có thể đẩy mạnh tăng trưởng hơn nữa trong những tháng tới, phần nào bù đắp những vấn đề trong lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiên, việc chính phủ trung ương vay nhiều hơn để thay thế cho khoản vay của địa phương sẽ không thể xoa dịu được lực cản dài hạn đối với tăng trưởng do nợ tích lũy gây ra.
“Tôi không nghĩ có vấn đề đối với sự phát triển ngắn hạn, nhưng chúng ta phải lo ngại về sự phát triển trung và dài hạn”, Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Standard Chartered, cho biết tại một diễn đàn gần đây của các nhà kinh tế và chuyên gia tài chính tại Quảng Châu.
Cuộc khủng hoảng nhà đất ở Trung Quốc bắt nguồn từ tình trạng đầu cơ nợ nần kéo dài suốt 4 thập kỷ, đẩy giá nhà lên cao hơn nhiều so với mức bình thường – vốn có thể được lí giải bằng tiền thuê nhà hoặc thu nhập hộ gia đình tăng lên. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã hạn chế cho vay bất động sản từ vài năm trước, và giờ đây họ không muốn giải cứu lĩnh vực này bằng cách tung ra một đợt cho vay để mua nhà khác.
Bắc Kinh tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại vào năm 2023 sau khi nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch COVID-19 vào năm ngoái. Tuy nhiên, sau đợt bùng nổ kinh tế ban đầu, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại vào mùa xuân và mùa hè năm nay. Hoạt động sản xuất sụt giảm vào tháng trước sau khi cho thấy sự tăng trưởng trong tháng 8 và tháng 9.
Tuần trước, tại một hội nghị do chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì, các lãnh đạo đã họp riêng để thảo luận về chính sách tài chính. Theo một tuyên bố chính thức sau đó, chính quyền trung ương đã yêu cầu đầu tư nhiều nguồn tài chính hơn cho các ngành sản xuất cũng như hỗ trợ cho chính quyền địa phương.
Trong khi thị trường nhà đất đang gặp khó khăn, hoạt động xây dựng nhà máy từ nguồn tài chính do chính phủ hỗ trợ lại diễn ra khá nhộn nhịp.
Theo New York Times, Trung Quốc đã xây dựng đủ nhà máy sản xuất tấm pin mặt trời để cung cấp cho toàn bộ nhu cầu của thế giới. Nước này cũng đã xây dựng đủ nhà máy ô tô để sản xuất đủ ô tô cho Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ. Đến cuối năm 2024, chỉ cần tốn thêm 5 năm, Trung Quốc sẽ xây dựng số lượng nhà máy hóa dầu nhiều bằng tổng tất cả các nhà máy hiện đang hoạt động ở châu Âu cộng với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tại cuộc họp gần đây ở Quảng Châu do Diễn đàn Tài chính Quốc tế tổ chức, các nhà kinh tế Trung Quốc thừa nhận rằng đất nước phải đối mặt với những thách thức chưa từng có kể từ năm 1976. Nhưng họ dự đoán rằng các khoản đầu tư lớn vào công nghệ sản xuất mới sẽ giúp Trung Quốc gặt hái thành công trong tương lai.
“Ngày nay chúng ta gặp những khó khăn tương tự như năm 1978, vậy câu hỏi bây giờ là tương lai của tăng trưởng dựa trên đổi mới sẽ ra sao?” – Zhang Yansheng, cựu quan chức cấp cao của cơ quan hoạch định kinh tế của chính phủ trung ương – hiện đang làm việc tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc, cho biết.
Những khoản nợ khổng lồ
Bert Hofman, giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết tại sự kiện ở Quảng Châu rằng việc ngân hàng Trung Quốc chuyển từ cho vay bất động sản sang sản xuất đã bắt đầu từ vài năm trước.
Trước đại dịch, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay bất động sản ở mức hơn 700 tỷ USD mỗi năm. Trong 12 tháng tính đến tháng 9, tổng dư nợ cho vay bất động sản giảm nhẹ. Các ngân hàng cho các tập đoàn bất động sản vay ít hơn; các hộ gia đình đang trả dần các khoản thế chấp cũ trong khi ít vay thêm các khoản mới.
Trong khi đó, các khoản cho vay ròng đối với các công ty công nghiệp đã tăng từ 63 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019 lên 680 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Số tiền đó một phần được dùng vào việc xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn có thể cho phép Trung Quốc thoát khỏi nhập khẩu và vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, cũng như hướng tới các hạng mục như sản xuất ô tô điện và đóng tàu.
Nhiều nhà kinh tế bày tỏ lo ngại rằng việc ném thêm tiền vào sản xuất có thể không giải quyết được vấn đề trong nền kinh tế. Lĩnh vực bất động sản vẫn đang suy thoái và có quy mô lớn đến mức việc bù đắp những rắc rối của nó bằng sự tăng trưởng trong các ngành như sản xuất ô tô – chiếm 6 đến 7% sản lượng kinh tế – sẽ không phải là điều dễ dàng.
Dù sao, vẫn có một điều không thay đổi trong cách tiếp cận của Trung Quốc: đó là sự phụ thuộc vào vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng.
Các quan chức đã cố gắng nhiều lần trong nhiều năm để chế ngự “cơn nghiện nợ” của đất nước. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã hứa trong một bài phát biểu năm 2018 rằng việc kiểm soát nợ sẽ được thực hiện trong vòng ba năm.
Thay vào đó, nợ của địa phương đã tăng mạnh kể từ năm 2020, đạt gần 8 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Tổng nợ của Trung Quốc đã phình to so với sản lượng kinh tế của nước này – lớn hơn đáng kể so với tỉ lệ nợ của Mỹ và nhiều nước phát triển khác.
Yao Yang, giám đốc Trường Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, cho biết vào tháng 9 rằng các nỗ lực kiểm soát nợ đã không thành công.
“Giữa năm 2014 và 2018, lẽ ra là thời điểm để gỡ nút thắt nợ nần thì nợ lại tăng vọt; tình hình trở nên tồi tệ hơn sau năm 2020,” ông nói trong một bài phát biểu. “Điều này cho thấy các biện pháp giảm nợ trước đây không hiệu quả và trong một số trường hợp còn phản tác dụng”.