Những thay đổi trong chuỗi cung ứng, gia tăng lạm phát và áp lực giảm phát thải carbon đã tạo ra khó khăn cho ngành cao su, vốn gắn bó chặt chẽ với các ngành ô tô, xây dựng và tiêu dùng. Ngành cao su còn đối mặt với thay đổi về nhu cầu tiêu thụ và các tiêu chuẩn kỹ thuật tại các thị trường quốc tế, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU).
Dù vậy, ngành cao su Việt Nam vẫn duy trì đà phát triển và kiên định với các mục tiêu chiến lược. Dự kiến trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 10,2 tỷ USD, trong đó cao su thiên nhiên đạt 3,1 tỷ USD, sản phẩm cao su chế biến đạt 4,6 tỷ USD và gỗ cao su ước đạt 2,5 tỷ USD. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành vẫn duy trì vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ngành cao su Việt Nam vẫn kiên trì bám sát các mục tiêu chiến lược, đạt được nhiều thành tích. Năm 2024, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với biến động mạnh mẽ từ các yếu tố địa chính trị, biến đổi khí hậu và xu hướng phát triển xanh.
Một trong những thách thức lớn của ngành là Quy định không phá rừng của EU (EUDR), yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu, bao gồm cao su, phải chứng minh rõ ràng nguồn gốc và tuân thủ các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Đây là vấn đề khó khăn đối với ngành cao su Việt Nam, vốn đang nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu bền vững. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào quy trình sản xuất và nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các yêu cầu của các thị trường quốc tế, đặc biệt là EU.
Theo đánh giá của Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam, mặc dù EUDR mang đến nhiều khó khăn, thách thức trong giai đoạn đầu, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc ngành cao su theo hướng minh bạch, bền vững và thân thiện với môi trường hơn.
Những nỗ lực thích ứng với quy định này không chỉ nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu quan trọng mà còn đóng vai trò quyết định trong việc chuyển đổi nền sản xuất hướng tới “tăng trưởng xanh”, phù hợp với xu thế quản trị toàn cầu mới về đảm bảo phát triển bền vững.
Các nước nhập khẩu lớn khác như Mỹ, Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao tiến trình thực thi EUDR với khả năng sẽ ban hành các quy định tương tự. Nếu không nhanh chóng có hành động, ngành cao su Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất dần thị trường, thay vào đó là cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia đáp ứng được quy định.
Tại hội thảo, giáo sư Adelegan, Tổng thư ký Nhóm nghiên cứu cao su quốc tế (ISG), nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tính bền vững trong sản xuất. “Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, cần chú trọng nâng cao chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tuân thủ yêu cầu khắt khe của EU. Việc tuân thủ các quy định này sẽ giúp ngành cao su Việt Nam phát triển bền vững”, ông Adelegan cho biết.
Ông Lê Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam khẳng định ngành cao su Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các giải pháp bảo vệ môi trường, quản lý nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặc dù gặp nhiều thách thức, các chuyên gia cho rằng ngành cao su Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển bền vững. Việc đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sản phẩm sẽ giúp ngành duy trì tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Hội thảo không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, học hỏi kinh nghiệm mà còn là bước đi quan trọng giúp ngành cao su Việt Nam đối mặt với thách thức và tận dụng cơ hội phát triển. Những giải pháp và kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo chắc chắn sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng và phát triển bền vững, vững vàng hơn trong cuộc đua phát triển toàn cầu”, ông Hưng nhấn mạnh.
Cao su thiên nhiên Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thị trường xuất khẩu chính gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong năm 2024, xuất khẩu cao su sang các thị trường mới nổi như Brazil và khu vực Trung Đông cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, mở ra những cơ hội mới cho ngành.
Ông Hoàng Minh Chiến, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận xét, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò là cầu nối vững chắc giữa các thành phần kinh tế trong ngành cao su, từ doanh nghiệp, nông dân, đến các tổ chức sản xuất và kinh doanh.
Xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sự gia tăng yêu cầu về tính bền vững, môi trường, kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng cùng với việc tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới đang mở ra những thách thức đan xen cơ hội cho ngành cao su Việt Nam.
“Do đó, cần tăng cường quảng bá nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam – Viet Nam Rubber tại các hội chợ, triển lãm quốc tế và thông qua các kênh thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu và gia tăng giá trị thương hiệu cao su Việt Nam.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành đẩy mạnh việc áp dụng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và xây dựng chuỗi giá trị xanh; đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của quy định chống phá rừng (EUDR)”, ông Chiến cho biết.
Trong khuôn khổ sự kiện năm nay, Hiệp hội Cao su Việt Nam kết hợp tổ chức đón đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam giao dịch mua hàng nhằm tạo cầu nối thương mại quốc tế và nội địa giữa các nhà sản xuất với đơn vị tiêu thụ cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su.