Nhiều doanh nghiệp xây dựng có nguy cơ phá sản
Hiện các vướng mắc pháp lý chiếm đến 70% trong số các nguyên nhân khiến các dự án bất động sản bị đình trệ. Chỉ riêng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ước có khoảng 400 dự án gặp các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Những ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Theo ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển DKRA Việt Nam, riêng tại TP. Hồ Chí Minh có 116 dự án chưa được tháo gỡ…
Ở khía cạnh liên quan, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch GP Invest, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ, những vấn đề của thị trường bất động sản luôn ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực xây dựng.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng -3% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam, trong quý I/2023, đa số các doanh nghiệp xây dựng chỉ đạt 8% kế hoạch cả năm. “Có thể nói ngành xây dựng đang ở trạng thái bi đát nhất từ trước tới nay”, ông Hiệp cho hay.
Ở miền Trung, khoảng 40 doanh nghiệp thuộc Chi nhánh Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam không có việc làm. Ở phía Nam, một nhóm nhà thầu đã gửi đơn kêu cứu tới Thủ tướng vì tình trạng tài chính khủng hoảng, việc làm khó khăn. Ở miền Bắc, một loạt các công ty xây dựng lớn cũng “thất nghiệp”, chỉ trừ một số ít doanh nghiệp lớn, đủ năng lực triển khai dự án đầu tư công.
“Điều mà chúng tôi mong muốn ở đây là một cơ chế phù hợp cho các nhà thầu xây dựng. Chúng tôi kiến nghị nhiều năm nay rồi nhưng chưa giải quyết được”, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam trăn trở.
“Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp hy vọng với một loạt chính sách gỡ vướng của Chính phủ thì thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến nhất định. Nhưng đa phần các nhà đầu tư đang có tâm lý chờ đợi”, ông Hiệp cho biết.
Mong giải quyết sớm vấn đề pháp lý
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đề xuất, cần xử lý rốt ráo các vướng mắc hơn, đặc biệt với nhà ở xã hội. Trong giai đoạn này, đây là sản phẩm sẽ kích hoạt thị trường rất hiệu quả. Cùng với đó, các cơ quan hữu quan cần xây dựng và sớm ban hành các quy định, quy trình xử lý hồ sơ thủ tục cho các nhà đầu tư, trong đó có các khâu chuyển nhượng dự án, đấu thầu đấu giá, phê duyệt giá đất, lựa chọn chủ đầu tư…
Đây là các vấn đề bị vướng nhiều nhất theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, mà theo ông Đính cần có các biện pháp thông thoáng, cởi mở hơn để có thể chuyển nhượng dự án thuận lợi hơn, đặc biệt là các dự án đã xử lý gần xong, đẩy nhanh việc đưa dự án mới tham gia thị trường, tạo nguồn cung hàng.
Nhìn thực tế thị trường hiện tại, phân khúc cần nguồn cung rất lớn thì lại đang rất thiếu là nhà ở bình dân, nhà ở xã hội do không có cơ chế, đất đai, dòng vốn. Trước tình hình này, Thủ tướng đã chỉ đạo, tập trung toàn bộ nguồn lực để phục hồi và phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Khi tập trung nguồn lực vào phân khúc này sẽ tạo ra một mặt bằng giá bất động sản mới và giúp thị trường bất động sản khôi phục, phát triển mạnh trở lại.
Trong bối cảnh hiện nay, cần có những động thái mạnh mẽ hơn nữa, chính quyền các địa phương cần khẩn trương rà soát lại quy hoạch đất đai liên quan đến thị trường bất động sản và giải quyết dứt điểm, nhanh chóng các vấn đề về thủ tục cho các dự án. Cụ thể như, định giá đền bù giải phóng mặt bằng, định giá thuế quyền sử dụng đất, đấu thầu… cần phải làm nhanh để các dự án nhanh chóng được khởi công.